Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Hữu Kiến

NGUYỄN HỮU KIẾN

(1880 - 1954)

Ông Nguyễn Hữu Kiến sanh năm 1880, người làng Tân Thuận (nay là Hoà An, thị xã Cao Lãnh), được sanh trong một gia đình nghèo ở xóm xép Cả Kích.

Thuở nhỏ, ông cùng Nguyễn Quang Diêu theo học chữ Nho với thầy Tú Tịnh, một thầy đồ người Bắc rất giàu khí tiết. Nguyễn Hữu Kiến giỏi Nho và thông thạo quốc ngữ, ông ham mê sách báo, tánh tình rất trầm tỉnh và cương quyết, có tiếng là người con hiếu thảo trong gia đình.

Ảnh hưởng thầy, nhờ bạn, ông sớm thấm nhuần tư tưởng cách mạng, tán thành chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên, hăng hái tham gia phong trào Đông du và Minh Tân.

Ông cùng với Nguyễn Quang Diêu quan hệ với nhiều nhà yêu nước lúc bấy giờ, như Nguyễn Văn Điền (Châu Đốc), Lê Văn Đáng, Lê Văn Mỹ, Lê Văn Ký, Trần Văn Nhựt (Cao Lãnh). Ông hô hào thanh niên xuất dương, vận động những gia đình khá giả ủng hộ phong trào. Có lẽ, ông là một trong số ít người ở Nam Bộ có công hỗ trợ Hồ Tá Bang trong việc xây dựng trường Dục Thanh ở Phan Thiết và cũng chính ông là người đã vận động một số thanh niên Cao Lãnh ra học ở trường nầy, trong đó có Nguyễn Văn Phùng (tức Từ Trường Phùng, con ông Bộ  Nguyễn Văn Cây, một điền chủ ở Cao Lãnh).

Ông là người được Nguyễn Quang Diêu chọn tham gia phái đoàn 12 người sang Hồng Kông vào tháng 5 - 1913. Hơn một tuần sau khi đến Hồng Kông, hầu  hết mọi người đều bị cảnh sát Anh bắt giao cho mật thám Pháp giải về nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội). Lợi dụng tình hình hỗn loạn lúc cảnh sát Anh vây bắt nhiều người, ông giả dạng người Trung Quốc trốn thoát về nước, bí mật đến ẩn náu ruộng của Võ Chí ở Chắc Cà Đao (Long Xuyên).

Năm 1927, ông Nguyễn Quang Diêu, sau mười mấy năm tù đày, vượt ngục, lẻn về nước tiếp tục hoạt động; một lần nữa, Nguyễn Hữu Kiến lại cùng Nguyễn Quang Diêu bôn ba khắp nơi vận động. Nhưng hoàn cảnh của ông có khác với Nguyễn Quang Diêu. Do từ lâu ông chịu ảnh hưởng phong trào Minh Tân miền nam, nên từ Chắc Cà Đao ông dám trở về quê nhà Tân Thuận Tây, mở hảng nước mắm tại vàm sông Cao Lãnh năm 1933. Đến năm 1937, ông mở trường dạy học ở vàm xép Cả Kích; môn sinh ông nhiều người thành đạt (như Bửu Đạt, Năm Thuật, Bảy Sơ), có người hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (như Mười An, Đặng Văn Khiết...).

Ngoài ra ông còn coi mạch, hốt thuốc, trị bịnh cho dân và dịch sách thuốc từ tiếng Hoa ra chữ Việt để phổ biến kiến thức trị bịnh trong nhân dân.

Năm 1940, tình hình cách mạng sôi động với cuộc Nam kỳ khởi nghĩa, thực dân Pháp đàn áp, khủng bố khắp nới, qui chụp trường của ông có “vấn  đề”, ra lịnh đóng cửa tức khắc. Trường đóng cửa, ông về Mỹ Tho sống với con gái làm nghề giáo. Đến cuối năm 1954, ông qua đời vào ngày 4 tháng 12.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow