Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Phạm Hữu Lầu

PHẠM HỮU LẦU

(1906- 1959)

Ông Phạm Hữu Lầu bí danh Tư Lộ, sanh năm 1906, quê làng Hòa An, tổng An Tịnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Hòa An, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Hồi nhỏ, Lầu ham học và học giỏi, nhưng gia đình nghèo cha mất sớm, nên năm 13 tuổi phải nghỉ học đi làm thợ sơn, rồi thợ hớt tóc để có tiền giúp mẹ nuôi hai em.

Tháng 8 năm 1926, Phạm Hữu Lầu cùng một số bạn trẻ khác tham gia tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh ở chợ Cao Lãnh.

Tháng 9 năm 1928 Phạm Hữu Lầu được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được bầu làm tổ trưởng, đến tháng 10 năm 1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, sau đó được đề cử vào Ban Chấp hành lâm thời Trung ương, được rút lên và chỉ định đi “vô sản hóa” ở đề pô xe lửa Dĩ An. Trung tuần tháng 2 năm 1930 được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam(1).

Giữa năm 1930 ông đại diện cho Xứ ủy Nam Kỳ đi dự hội nghị Trung ương lần thứ nhứt ở Hương Cảng. Đến cảng Hải Phòng thì bị cảnh sát bắt đưa về nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Sau đó đưa về Sài Gòn xét xử, kết án tù chung thân, phát lưu và đưa ra Côn Đảo.

Năm 1936 Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở nước Pháp đã quyết định ân xá một số lớn chánh trị phạm ở Đông Dương, trong đó có Phạm Hữu Lầu. Sau khi ra tù, ông tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và hoạt động trong nhóm Dân chúng “Le peuple” ở Sài Gòn, Cao Lãnh và Rạch Giá. Đến cuối năm 1939 ông lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở về Sa Đéc, được giao trách nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, đánh chiếm Sa Đéc (17-1-1946), ông lãnh đạo tổ chức các phòng tuyến chiến đấu, ngăn chặn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch.

Để bảo tồn lực lượng, ông và Tỉnh ủy quyết định chia lực lượng Quân - Dân chánh - Đảng của tỉnh làm 3 bộ phận. Hai bộ phận do ông và Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy rút xuống miền Tây, một bộ phận ở lại bám bên Đồng Tháp Mười tiếp tục lãnh đạo kháng chiến.

Tháng 4 năm 1946 ông cùng bộ phận đi miền Tây trở về. Ông được bầu làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, sau đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Sa Đéc.

Cuối năm 1949, ông được rút về Khu ủy Khu 8, rồi về Ban đại diện của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ.

Tháng 5 năm 1951, ông về làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Mỹ Tho kiêm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh phân liên Khu miền Đông, phụ trách vùng Đồng Tháp Mười.

Tháng 4 năm 1952, ông được phân công làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ phụ trách Công an và Thương binh đến 1954. Sau Hiệp định Genève đến giữa năm 1958, ông làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Xứ ủy đến cuối năm 1959. Ngày 16-12-1959, ông từ trần tại một bịnh viện trên đất Campuchia do căn bịnh lao phổi.

Năm 1985, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức đưa hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ở thị xã Cao Lãnh và quyết định đặt tên trường Chánh trị tỉnh là trường Phạm Hữu Lầu, đặt tên con đường từ Cầu Đúc trong nội ô thị xã Cao Lãnh ra bến phà Cao Lãnh là đường Phạm Hữu Lầu.

 

 

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow