Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Thanh Nha

NGUYỄN THANH NHA

(1919 – 1972)

 Ông Nguyễn Thanh Nha là con một gia đình nghèo ở ấp Hạ, làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường 2, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), sanh ngày 20-4-1919.

Sau khi đậu tiểu học (1932) ông học trường Trung học Mỹ Tho rồi thi vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Ra trường, ông làm nghề vẽ ở Cao Lãnh và Kongpong – Chàm (Campuchia).   

 Cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, ông trở về quê tham gia dân quân và vào Đồng Tháp Mười kháng chiến chống Pháp. Vốn có tay nghề vẽ giỏi, ông được giao vẽ mẫu để khắc gỗ in bạc giả của Pháp để nuôi các lớp huấn luyện quân sự. Sau đó ông được rút lên khu 8 làm Trưởng ban Mỹ thuật của Phòng Chánh trị.

Năm 1951 ông lên miền Đông công tác Văn nghệ thuộc Phòng Chánh trị Phân liên khu. Năm 1952 ông trở về tỉnh nhà Long Châu Sa làm Phó đoàn Văn công Ngủ Yến vừa thành lập. Vốn hiểu biết ca cổ và các loại đàn dân tộc, ông bắt tay viết các chập và hai vở cải lương dài “Chung sức diệt thù”, “Thoát vòng đau khổ”, làm tiết mục biểu diển cho đoàn. Soạn vở, ông vừa làm nhạc công và cả diễn viên.

 Tập kết ra Bắc, ông là thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957) và được bầu làm Phó Tổng thơ ký Hội, Ủy viên Đảng đoàn Hội. Gần 10 năm trên đất Bắc là thời gian ông chuyên hoạt động sân khấu và tài năng viết vở bật sáng, tiêu biểu là các vở cải lương “Tình riêng nghĩa cả”, “Khuất Nguyên” do đoàn Văn công Nam Bộ diễn và vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” do đoàn Dân ca Liên khu V biểu diễn, với bút danh Thanh Nha.

Ông được Bộ Văn hoá đưa về công tác ở Ban Nghiên cứu Sân khấu, vừa sáng tác kịch bản vừa sáng tác âm nhạc phục vụ vở diễn. Ông biên soạn tập bản đờn ca cổ nhạc, được xem là mẫu mực cho nghề nghiệp cải lương.

 Đầu năn 1964 ông trở về Nam, được cử làm Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ miền Nam,  chủ trì ngành sân khấu cải lương Hội Văn nghệ Giải phóng. Vừa sáng tác, ông vừa tham gia giảng dạy các lớp sáng tác, diễn viên...ở trường Văn nghệ giải phóng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ cho đoàn Văn công giải phóng miền và các tỉnh. Ông sáng tác nhiều bài ca lẻ, chập cải lương ngắn làm tiết mục cho các đoàn Văn công biểu diễn và phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, như “Lời mẹ dặn”, “Lay tỉnh bớ ông đại diện”, “Lòng mẹ”, “Xông ra diệt Mỹ”, “Nước mắt người thân”... với bút danh Trần Ngọc.

Cuối năm 1965, ông được về quê hương đi thực tế sáng tác. Tại đây, ông viết một loạt chập cải lương cho đoàn Văn công Tiền Giang của tỉnh nhà Kiến Phong, như “Tình phụ tử”, “Bám đất”, “Chông gài sai chỗ”, “Chiếc máy đuôi tôm”, “Anh sui chị sui”..., được đồng bào trong tỉnh nhiệt liệt hoan nghinh.

Trở về R, ông viết vở cải lương dài “Trong lửa đỏ” ca ngợi những gương dũng cảm của bộ đội ta trong trận Tổng tấn công Xuân Mậu Thân -1968.

Ông mang bịnh nặng và qua đời ngày 23-10-1972, hưởng dương 53 tuổi. Ông là người có công lớn đối với ngành sân khấu cách mạng Việt Nam. Ông được khen thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhứt, Huân chương Quyết thắng hạng Nhứt.  

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow