Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Phước Tân

NGUYỄN PHƯỚC TÂN

(1930 -       )

Ông Nguyễn Phước Tân (tên gia đình là Nguyễn Văn Chẩn, thường gọi Hai Tân), sanh năm 1930, quê làng Tân Khánh, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

Xuất thân từ một gia đình bần nông, có truyền thống yêu nước, nuôi giấu cán bộ hoạt động trong lòng địch; mới 15 tuổi Hai Tân đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1947 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông hoạt động điệp báo ở Sài Gòn. Bằng sự mưu trí, dũng cảm ông đã nhiều lần thoát khỏi sự truy lùng của địch, xây dựng được hàng trăm cơ sở bí mật (có cả cấp đại tá ngụy); qua đó nắm được tình hình, giúp cấp trên tổ chức nhiều trận đánh đạt kết quả.

Từ năm 1975 đến năm 1980, với trách nhiệm phụ trách công tác chống phản động ở địa bàn các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Phước Tân chỉ huy, chỉ đạo đơn vị và phối hợp với công an các địa phương khám phá hàng trăm vụ án phản động; trong đó có những vụ lớn như vụ Nhà thờ Vinh Sơn, Cao Đài Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc tự nguyện… , góp phần bảo vệ an ninh trật tự ở các tỉnh phía Nam.

Năm 1981, ông Nguyễn Phước Tân trực tiếp phụ trách đơn vị K4/2, đi sâu nắm tình hình, hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương khám phá hàng chục vụ án gián điệp tình báo Trung Quốc và tình báo lục quân Thái Lan. Trong chỉ đạo đấu tranh, ông đã vận dụng nhiều biện pháp đánh địch độc đáo, phong phú, sáng tạo, lấy người của địch để đánh địch. Như trong vụ án Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (Kế hoạch phản gián CM12), chủ động điều động địch đến nơi ta đã chuẩn bị sẵn để tiêu diệt, bắt gọn; đưa người của ta vào hoạt động trong tổ chức địch, đồng thời ứng phó kịp thời, có hiệu quả với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của địch, buộc chúng làm theo ý đồ của ta.

Là người chỉ huy nhưng ông đã không quản ngày đêm, mưa rét, đói khát, trực tiếp cùng đơn vị chiến đấu 20 trận, bắt gọn, tiêu diệt toàn bộ bọn gián điệp xâm nhập, thu toàn bộ võ khí, phương tiện và giành thắng lợi trọn vẹn. Đặc biệt xuất sắc là trận mở đầu (ngày 9-9-1981) và trận kết thúc vụ án K4/2 (ngày 9-9-1984) đã bắt gọn hầu hết các tên đầu sỏ nguy hiểm, tiêu diệt các tên ngoan cố chống cự. Ông đã chỉ huy đơn vị vừa chiến đấu, vừa thu hồi, vận chuyển, bảo quản hàng tấn võ khí, chất nổ, tiền Việt Nam giả (do bọn phản động ở nước ngoài vận chuyển về nước bằng đường biển) một cách an toàn và bí mật, trong những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ (trong đêm tối, biển động, sóng gió, hàng nặng chìm sâu dưới biển…).

Ông đã hướng dẫn, chỉ đạo việc khai thác, cảm hóa, sử dụng số đối tượng bị bắt; trực tiếp xét hỏi những tên đầu sỏ, quan trọng; đã vận dụng một cách mưu trí nghiệp vụ xét hỏi nên hầu hết bọn chúng đều nhận tội lỗi, khai báo đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đi sâu vào tổ chức của địch. Ông đã kiên trì giáo dục, cảm hóa buộc chúng phải làm việc cho ta, hoặc tự giác lập công chuộc tội, giúp ta giành thắng lớn hoàn toàn trong vụ án quan trọng này.

Là người chỉ huy gương mẫu và dày dạn, bằng những kinh nghiệm sẵn có của mình, ông Nguyễn Phước Tân đã kèm cặp, bồi dưỡng số cán bộ trinh sát trong việc tạo vỏ bọc, thực hiện kế hoạch đi sâu vào tổ chức địch, sinh hoạt, ăn, ở với địch, chiếm được lòng tin của chúng. Các đối tượng được ông cảm hóa, giáo dục đánh trở lại, đều phát huy tác dụng tốt, tự giác chiến đấu lập công chuộc tội.

Ngoài ra, ông Hai Tân còn cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị làm tốt việc chuẩn bị tư tưởng, củng cố thái độ, tâm lý cho hàng trăm đối tượng, xây dựng, củng cố hồ sơ, tội trạng… phục vụ cho phiên toà xét xử vụ án CM12 thành công tốt đẹp, các cấp, các ngành đều khen ngợi, gây tiếng vang trong nước và trên thế giới.

Từ tháng 12-1987 đến tháng 4-1990, ông Nguyễn Phước Tân làm trưởng đoàn Chuyên gia của Bộ Nội vụ (Bộ Công an) Việt Nam giúp nước bạn Kampuchia. Tháng 4-1991 ông làm Tổng cục phó Tổng cục An ninh đến khi nghỉ hưu (6-1997).

Ông Nguyễn Phước Tân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhứt; Huân chương Quyết thắng hạng Nhứt; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhứt, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 40, 50 năm tuổi Đảng. Tháng 8-1985 ông được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng các lực lượng võ trang nhân dân với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện ông Nguyễn Phước Tân cùng vợ, con ngụ tại phường 4, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow