Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Nguyễn Trọng Trì

NGUYỄN TRỌNG TRÌ

(1832 – 1899)

Ông Nguyễn Trọng Trì, người thôn Định An, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang ( nay là xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), là con thứ tư  của ông Nguyễn Đình Nghiên (1) và bà Lê Thị Tài.

Ông Nguyễn Trọng Trì, đỗ cử nhơn khoa thi Hương năm Ất Mão (1855) tại trường thi Gia Định, được phong Hàn lâm viện Điển bộ, Tòng bát phẩm. Năm 1862 (Tự Đức thứ 15), ông là Huấn Đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang. Năm 1864, được cử làm Giáo Thọ, trông coi Phủ học Tân Thành (Sa Đéc). (2)

Đến năm 1866, chưa đầy một năm trước khi thực dân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867), triều đình Huế cử ông làm Tuần phủ tỉnh An Giang, kiêm nhiếp phủ Tuy Biên, dưới quyền Tổng đốc Phan Khắc Thận.

Biết ông là một Nho quan của triều đình Huế, có uy tín trong vùng, thực dân Pháp ra sức khuyến dụ ông hợp tác với chúng, nhưng bị ông cự tuyệt. Hưởng ứng phong trào kháng Pháp của nhân dân Nam Kỳ, ông chiêu tập nghĩa dõng, sĩ phu gia nhập nghĩa binh của Nguyễn Trung Trực. Đêm 16-6-1868, nghĩa binh của Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ thành Kiên Giang (Rạch Giá). Hai ngày sau, giặc Pháp và tay sai phản công đánh chiếm lại thành. Sau ba ngày đêm chiến đấu anh dũng, nhưng vì lực lượng không cân sức, ông Nguyễn Trung Trực ra lịnh cho nghĩa binh rút về Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc. Trong thời gian này, để phân tán lực lượng của quân giặc, chặn bước tiến của chúng từ hướng An Giang tiến xuống, ông Nguyễn Trọng Trì lãnh đạo một toán nghĩa binh cùng với nhân dân địa phương đốn cây, đắp cản, lập một mặt trận đánh tàu Pháp tại vùng Ba Bần, Trà Kên, Lạc Dục (nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Khi ông Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp bắt và hành hình tại Rạch Giá (27-10-1868), ông Nguyễn Trọng Trì vẫn tiếp tục cuộc kháng chiến, ông đem toán nghĩa binh còn lại gia nhập đạo binh “Gia Nghị” của Quản cơ Trần Văn Thành, lập chiến khu Bảy Thưa (vùng Láng Linh), từ căn cứ này tỏa ra đánh tiêu hao đồn Pháp khắp trong vùng…

Cho đến tháng 3- 1873, giặc Pháp phải huy động toàn lực lượng từ các nơi: Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cần Thơ… chia làm các ngã đánh vô chiến khu Bảy Thưa hòng tiêu diệt căn cứ kháng chiến của nghĩa quân đã từng gây cho chúng những thiệt hại lớn.

Nghĩa binh dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Thành và các vị dưới trướng đã quyết liệt chống trả giặc Pháp trong nhiều ngày đêm, song do võ khí thiếu thốn, lực lượng không cân sức, đại đồn Bảy Thưa thất thủ! Ông Nguyễn Trọng Trì cùng một số nghĩa binh phá được vòng vây giặc, vượt rạch, băng sông, tìm nơi mai danh ẩn tích chờ cơ hội rửa mối nhục của người dân mất nước.

Sau một thời gian, ông trở về sống ẩn dật ở làng Định Yên với tên gọi mới là Kỷ, mở lớp dạy học chữ Nho, thu nhận học trò với hơn 20 người là con em trong làng và các làng lân cận.

Ông Nguyễn Trọng Trì mất ngày 11 tháng chạp năm Bính Tuất (1899), hưởng thọ 67 tuổi.

 

(1) Theo gia phả (phổ hệ) họ Nguyễn ở làng Định Yên do ông Nguyễn Trọng Trư cung cấp thì dòng họ này có gốc ông thỉ tổ  là Nguyễn Văn Lân, người tỉnh Bình Định, phủ Quy Nhơn, huyện Phù Ly, tổng Thượng Bạn, thôn Vĩnh Hội.

(2)  Huấn Đạo: người do triều đình cử trông coi việc giáo dục của một huyện. Giáo Thọ: trông coi việc giáo dục của một phủ. Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) Phủ học Tân Thành được xây dựng tại thôn Vĩnh Phước (Sa Đéc). Năm 1837 mở huyện học Đông Xuyên đặt tại thôn Long Sơn (Tân Châu). Năm 1839 mở huyện học An Xuyên đặt tại thôn Tân Hựu ( Nha Mân). Do vậy, đến khi ông Nguyễn Trọng Trì  nhận nhiệm vụ làm Giáo Thọ phủ Tân Thành, ông trông coi  việc giảng dạy chữ Nho  trong vùng đất chạy dài từ Tân Châu- Sa Đéc- Nha Mân…

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow