Danh mục chính Menu

Ứng dụng lồng nhau

Xuất bản thông tin

null Phạm Thị Uẩn

PHẠM THỊ UẨN

(1918 - 2004)

Bà Phạm Thị Uẩn sanh năm 1918, quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Chồng bà là ông Nguyễn Văn Luận sanh năm 1920, cùng quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh. Bà sanh được ba người con, một gái hai trai.

Sống trong gia đình mà cha mẹ, anh em chồng đều sớm tham gia cách mạng, nên Tháng Tám-1945, bà Uẩn gia nhập đoàn thể Phụ nữ cứu quốc và năm 1947 là Hội phó Phụ nữ cứu quốc huyện Cao Lãnh. Sau đó, bà được điều về công tác tại Ban Tài chánh Phụ nữ cứu quốc tỉnh Sa Đéc. Năm 1949, bà làm Trưởng đoàn liên lạc tiếp tế cho Quân y viện I khu 7, khu 8, ngược xuôi từ  Sài Gòn đến Đông Nam Bộ. Năm 1950 bà trở về xã Mỹ Thọ công tác Hội phụ nữ cứu quốc. Sau đình chiến, bà vẫn tiếp tục hoạt động bí mật trong đoàn thể phụ nữ xã. Từ năm 1957 đến năm 1961, bà cùng nhân dân liên tục đi đấu tranh trực diện với bọn quận Cao Lãnh, bọn tỉnh Kiến Phong, tố cáo các âm mưu, chánh sách phản động của địch, đòi đảm bảo đời sống nhân dân. Bà còn được phân công nắm tình hình địch ở thị xã báo về trên. Tháng 1-1961, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam và được tỉnh rút lên làm công tác Binh vận.

Hai con của bà là Nguyễn Hồng Châu (nữ) sanh năm 1953 và Nguyễn Ngọc Sơn sanh năm 1956 là học sinh trường Trung học Kiến Phong và cả hai là đội viên Đội Biệt động thị xã Cao Lãnh. Một thảm hoạ đã xảy ra. Ngày 20-6-1969, Đội biệt động dự định dùng mìn giờ đánh vào Ty Thông tin trong nội ô thị xã Cao Lãnh. Do sơ suất về kỹ thuật, mìn đã nổ đang lúc chuẩn bị tại nhà bà, phá hủy tài sản trong nhà và làm chết một cán bộ, cùng anh Nguyễn Ngọc Sơn con bà, cháu Phạm Quang Đạo cũng là đội viên Đội Biệt động thị xã, bị thương nặng chị Nguyễn Ngọc Châu con gái bà. Địch phong tỏa, bao vây, lục soát, bắt bớ. Phạm Ngọc Thạch con bà, sanh năm 1957 đi học thêm về liền bị bắt. Bà đi khỏi, không về được. Nguyễn Ngọc Châu bị địch đưa về bịnh viện Cao Lãnh, không cho ai tới thăm nuôi và hy sinh sau đó 7 ngày.

Bà phải sống bán hợp pháp và được rút về Ban Binh vận R làm công tác giáo dục sĩ quan, binh sĩ ngụy. Nổi đau mới lại đến. Ngày 18-11-1974, chồng bà ông Nguyễn văn Luận là Trưởng Văn phòng Ban Kinh tài thành phố Mỹ Tho, đang cùng du kích, dân công bang phá đồn Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo thì bị địch phản kích bắn bị thương nặng. Chúng bắt bắn vào đầu và cắt một vành tai ông.

Ngày 30-4-1975, bà ra tiếp quản xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, Mỹ Tho và làm Hội phó Phụ nữ xã, sau đó về quê làm Ủy viên Thường vụ Hội Phụ nữ xã Mỹ Trà. Năm 1981 bà được phân công làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Mỹ Trà. Tuổi cao, sức yếu, bà vẫn tiếp tục công tác ở Ban Quản lý chợ Cao Lãnh cho đến năm 1988 mới nghỉ hưu.

Do có nhiều công lao đóng góp cho cách mang, gia đình bà được tặng Bảng vàng gia đình danh dự chống Mỹ cứu nước. Riêng bà được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, hai Huân chương Kháng chiến hạng Ba, hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Ngày 17-12-1994 bà Phạm Thị Uẩn danh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà qua đời ở khóm 1, phường 3, thị xã Cao Lãnh 2004.    

Một sự hội tụ đáng kính nể là trong một gia đình, bà Phạm Thị Uẩn cùng mẹ chồng là bà Lê Thị Hường và người em dâu là Phan Thị Huỳnh đều được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, với sự hy sinh của 8 liệt sĩ.

Hiển thị Tới trang của 135 < >

Nhân vật lịch sử khác

Xuất bản thông tin

Cơ quan phát ngôn chính thống của UBND tỉnh Đồng Tháp
Cơ quan quản lý: Văn phòng UBND tỉnh - 0277.3851431

Liên hệ: Quảng cáo | Ban Biên tập | Cộng tác| Sơ đồ website

Điện thoại: 0277.3853949 – 0277.3853744 | Fax: 0277.3851615

Email: banbientap@dongthap.gov.vn

Địa chỉ: Số 12, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh

Follow