Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2022

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: “Giải phóng phụ nữ - giá trị nhân văn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh”, TS. Trần Thị Phúc An, Trường Đại học Mỏ Địa chất, đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, mục Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc luôn bao hàm khát vọng vươn lên của phụ nữ. Bởi lẽ, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội”. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ những trải nghiệm của Người - vị anh hùng giải phóng dân tộc suốt đời đấu tranh cho mục tiêu cao cả: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, trong đó có giải phóng phụ nữ.

1. Thực hiện giải phóng phụ nữ là nhằm xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, xóa bỏ bất bình đẳng nam nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những quy định về quyền bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Từ đây, người phụ nữ có cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi bảo đảm những quyền bình đẳng này trong cuộc sống của mình.

Để xóa bỏ sự lệ thuộc của phụ nữ về kinh tế cần giải phóng sức lao động cho họ, đưa họ tham gia vào các ngành nghề khác nhau như công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế… Nhận xét về khả năng làm kinh tế của phụ nữ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”, là đội quân chủ lực tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho đất nước. Từ đó Người kết luận: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.

Để được giải phóng, phụ nữ cần phải học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật, bản thân phụ nữ phải đấu tranh, tự cường, tự lập để giữ lấy quyền lợi của mình. Đó là chìa khóa của sự nghiệp tranh quyền cho phụ nữ. Bởi không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không tự giải phóng và phát huy được quyền của mình trong các hoạt động, cũng như trong cuộc sống. Chỉ có nỗ lực, cố gắng, phụ nữ mới tạo ra động lực để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

2. Thực hiện bình đẳng nam nữ, giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng khó.

Thực hiện căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ được ra đời. Việc cụ thể hóa quyền bình đẳng nam nữ bằng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia lao động sản xuất, bảo hộ sức khỏe, giảm nhẹ gánh nặng gia đình. Đánh giá tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Để thực hiện kế hoạch đó cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, trong đó có sự đồng tình, tham gia, ủng hộ của nam giới. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của phụ nữ ngang với nam giới và Người cũng là một trong những lãnh tụ tiêu biểu của thế giới đề cao sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ ngày càng được quan tâm và coi trọng. Điều đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền bình đẳng giới, tạo ra một bước chuyển biến mới trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam. Đó chính là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tháng 02 và phương hướng nhiệm vụ tháng 3/2022

Trong tháng 02/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính 9.466 tỷ đồng, bằng 98,97% so với tháng trước và tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân tăng là nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng lên vào dịp tết. So với tháng 01/2022: Hoạt động thương mại ước tính đạt 7.536 tỷ đồng, bằng 97,10%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 127.395 ngàn USD, tăng 0,65%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 38.261 ngàn USD, tăng 0,29% so;Hoạt động du lịch lữ hành ước tính doanh thu đạt 756 triệu đồng, tăng 69,89%. Ngành giáo dục đã tổ chức sơ kết học kỳ I và triển khai kế hoạch học kỳ II năm học 2021-2022; chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai các phương án phòng, chống dịch, xử lý các tình huống có thể xảy ra và phải bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, giáo viên trước khi nhập học, khi vào lớp học, về nhà.Ngành Y tế còn tích cực tập trung cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt côn trùng, tuyên truyền về công tác phòng và chống sốt xuất huyết, tay chân miệng…

2. Đồng Tháp: Áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh

Ngày 08/02/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 62/UBND-THVX về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh. Theo đó, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc-xin hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 thì 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú như: Nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh...; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19: Thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý nền được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc, người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly sau cùng khi được giải thích về các nguy cơ mắc Covid-19; thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.

3. Đồng Tháp đạt giải nhất Solve for Tomorrow 2021

Mới đây, Tập đoàn Samsung vừa công bố những dự án đạt giải tại chung kết cuộc thi Solve for Tomorrow 2021, các dự án nhận giải là những ứng dụng công nghệ sáng tạo đến từ các trường THCS và THPT trên cả nước, nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội. Cuộc thi thu hút gần 1.500 dự án đến từ 315 trường trung học ở 52 tỉnh, thành trên toàn quốc. Vòng chung kết ban tổ chức đã chọn ra được 20 dự án xuất sắc về những giải pháp hữu ích cho cộng đồng.

Trong 20 dự án có 2 dự án ấn tượng được trao Giải nhất là: “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp lực hút không tiếp xúc thiết kế”, chế tạo xe robot leo tường phục vụ trong công tác thăm dò, kiểm tra “Ống cống thoát nước” do đội thi Robo Kat - THCS Trường Xuân - tỉnh Đồng Tháp và The Eco Warriors (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam). Trong đó, dự án Robo Kat của nhóm: Dương Hoàng Khang (lớp 8A1), Phan Nguyễn Hạnh An (lớp 9A1), Nguyễn Thị Yến Thư (lớp 8A3) do thầy Nguyễn Đức Vĩnh (Giáo viên Thể dục) hướng dẫn đã giới thiệu giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp lực hút không tiếp xúc thiết kế, chế tạo xe robot leo tường phục vụ trong công tác thăm dò, kiểm tra ống cống thoát nước”.

4. Tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Ngày 17/02/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh, chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân biết, cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phòng ngừa việc sử dụng không gian mạng.

Quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức và tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân khi sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, tình cảm, các hình thức trao thưởng, tặng quà, mua bán hàng hóa, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử, huy động vốn, v.v. trên mạng Internet, mạng viễn thông, không để tội phạm lợi dụng hoạt động, trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở. Hướng dẫn Nhân dân các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, tích cực tố giác tội phạm.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng có vai trò rất quan trọng, gắn với từng người dân, từng gia đình, là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay, chúng ta đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin của hơn 98 triệu người dân. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã xác định 07 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện Đề án với các nhiệm vụ trọng tâm chính: (1) Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án; (2) Nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vắc-xin, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin; (3) Đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục…; (3) Bố trí đủ nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện; ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, hiệu quả triển khai Đề án; (4) Khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất tổ chức thực hiện hiệu quả. Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án với 16 thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm làm Tổ trưởng.

2. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người

Thuốc lá là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Đồng thời, theo kết quả khảo sát tại Bệnh viện K (Hà Nội) cho thấy, 90% ca ung thư phổi do hút thuốc lá. Tuy nhiên, đối với người không hút thuốc, hay gọi là hút thuốc thụ động, hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra, cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm.

Nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân trước tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực hành động quyết liệt trong phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá; quy định cấm hút thuốc lá tại công sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tác hại của thuốc lá… nhằm trang bị các thông tin giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá để mọi người có các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Dự báo tình hình thế gii năm 2022

Bước vào năm mới 2022, tình hình thế giới được nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu dự báo sẽ tiếp tục các diễn biến và xu hướng đã được xác lập từ năm 2021, nhưng chứa đựng một số nhân tố mới, phức tạp, khó lường.

Tác động của đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề được nhắc tới trong thông điệp chào đón năm mới của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Theo đó, khẳng định phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là một trong những mục tiêu ưu tiên của các quốc gia trong năm 2022. Mỗi quốc gia sẽ chủ động điều chỉnh để sống an toàn trong điều kiện “bình thường mới”, vừa ứng phó với vi-rút, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng, với sự ra đời của các biến chủng mới và sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc-xin tiếp tục là trở ngại cho sự kết thúc đại dịch Covid-19.

Sự hồi phục của kinh tế thế giới

Các tổ chức quốc tế lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới khi cho rằng “năm 2022 sẽ là năm thế giới phục hồi”[1], dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ ở mức gần với tỷ lệ tăng trưởng trước đại dịch[2]. Tuy nhiên, quá trình phục hồi chưa đồng đều trên toàn cầu vẫn đang diễn ra. Theo nhận định của các chuyên gia, có 3 yếu tố chính cần quan tâm đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu: (1) Đại dịch Covid-19 và sự xuất hiện của các biến thể mới. (2) Vấn đề lạm phát, nếu lạm phát không được kiềm chế, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024. (3) Mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như cạnh tranh chiến lược giữa hai nước này thêm quyết liệt có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp, thiếu hụt lao động vẫn ở mức cao.

Tình hình an ninh chính trị

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng cường cạnh tranh trực tiếp trên tất cả các lĩnh vực. Nga sẽ tiếp tục đối đầu với Hoa Kỳ và phương Tây tại Ukraine, trong năm 2022, vấn đề Ukraine chắc chắn tiếp tục chi phối quan hệ Nga - Hoa Kỳ, không loại trừ khả năng bị đẩy đến bờ vực xung đột. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm của sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước. Đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, mặc dù bị đại dịch Covid-19 tác động, nhưng vị thế và vai trò của Việt Nam không những không giảm mà tiếp tục được phát huy. Trong năm 2022, có cơ sở để tin rằng, tăng trưởng đầu tư sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, với các bạn bè, với các nước láng giềng ASEAN tiếp tục được thúc đẩy. Việt Nam sẽ thu được nhiều thành quả tốt đẹp hơn từ kinh tế đến đối ngoại, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

2. Quan hệ Trung Quốc và Nga thời gian gần đây

Nhân dịp tham dự Lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trực tiếp tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 04/02 trong không khí được đánh giá là nồng ấm, xây dựng và thực chất. Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí về một lộ trình quan trọng giúp thúc đẩy thương mại phát triển, trong đó, nổi bật là việc đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 250 tỷ USD và ký kết 16 văn kiện. Đáng chú ý, trong số 16 văn kiện được ký kết, có thỏa thuận dài hạn về hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc.

Sau cuộc hội đàm, hai bên ra tuyên bố chung, được cho là thể hiện tầm nhìn và cách tiếp cận chung của hai nước đối với các vấn đề quốc tế. Việc hai nước ra Tuyên bố chung ủng hộ hình thành “một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc trên thế giới” sẽ có tác động định hình lại các mối quan hệ quốc tế, nhất là giữa các cường quốc trên thế giới, bởi Trung Quốc có tiềm lực mạnh tầm cỡ thế giới về kinh tế, còn Nga là cường quốc về quân sự. Sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa Nga và Trung Quốc sẽ góp phần duy trì lợi ích chung giữa hai nước, đồng thời có ảnh hưởng lớn đối với sự ổn định và an ninh chiến lược quốc tế.

                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

 

[1] Nhận định của Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan.

[2] Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP toàn cầu ở mức 4,3%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 4,9%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo 4,5%.