Bài viết

null Đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đại đoàn kết toàn dân tộc

Trang chủ Bài viết

Đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đại đoàn kết toàn dân tộc

ThS. Nguyễn Văn Hổ

   Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Ngày 24 tháng 11 năm 2023 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, khẳng định: “Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo” [1]. Trong đó: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế” [2] là nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn, hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống quý báu, được bảo tồn và không ngừng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó được Đảng ta nâng lên thành đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đại hội III năm 1960, Đảng khẳng định: “Đảng ta có truyền thống đoàn kết thống nhất tốt đẹp” [3]. Nhờ giữ vững và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, thống nhất nên Đảng đã tập hợp được lực lượng đông đảo, đã xây dựng và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [4].

Quá trình đổi mới của Đảng đứng trước nhiều thách thức trong thời kỳ mới, song nhờ giữ vững bản lĩnh chính trị và phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường đoàn kết toàn dân đã đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trọng sạch, vững mạnh hơn” [5]. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguồn gốc sức mạnh, là sinh mệnh và là cơ sở để đoàn kết giai cấp, nhân dân và dân tộc.

Đoàn kết trong Đảng xuất phát từ sự thống nhất về chính trị được thể hiện qua: kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc tổ chức của Đảng; thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết…của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện hoài nghi, dao động, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng có những ý kiến khác thì cần thảo luận một cách nghiêm túc để tìm ra những chủ trương, biện pháp và kết luận đúng đắn để tổ chức triển khai thực hiện, tránh “…một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít tổ chức đảng có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều” [6]. Những ý kiến khác nhau đó nếu để kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sự thống nhất ý chí và hành động cách mạng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng, cần phải được xử lý nghiêm.

Bước vào giai đoạn phát triển mới đặt ra yêu cầu rất cao “phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045” do đó, đòi hỏi cần phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng, hết sức huy động, tập hợp, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu, mở ra kỷ nguyên thịnh vượng Việt Nam. Đảng là hạt nhân lãnh đạo giai cấp, nhân dân, dân tộc nên sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dân tộc. Chính vì thế, Nghị quyết khẳng định: “Đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị” [7] đặc biệt “chú trọng xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân” [8], góp phần trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Để không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết thống nhất trong Đảng, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí và tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng. Kiên trì thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp đảm bảo có đủ năng lực và uy tín quy tụ tập thể. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao.

Bốn là, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hành dân chủ trong Đảng, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình cảm, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, qua đó tăng cường sự thống nhất nhận thức và hành động. Xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng gắn với nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh những hành động sai trái, chia rẽ, bè phái, cục bộ.

Năm là, xây dựng và thực hiện đúng quy chế làm việc để đảm bảo sự thống nhất hoạt động của các thành viên, là cơ sở pháp lý để giải quyết mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức đối với những vấn đề phát sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Lấy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần trách nhiệm vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường làm mục tiêu, điểm tương đồng để không ngừng củng cố khối đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, là nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến sự trường tồn của dân tộc Việt Nam anh hùng./.


[1] Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương

[2] Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, t.21, tr.704.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr.617.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tII, tr.221.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, t63, tr.99.

[7] Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương.

[8] Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin