Tin tức

null Sáng mãi tên người đoàn viên đầu tiên - Lý Tự Trọng, người truyền lửa cách mạng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Sáng mãi tên người đoàn viên đầu tiên - Lý Tự Trọng, người truyền lửa cách mạng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam

                 ThS. Mai Quang Khả

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Lý Tự Trọng một trong tám thiếu niên xuất sắc được đứng trong hàng ngũ những đoàn viên đầu tiên của Việt Nam. Ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh đã để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam một di sản quý giá, đó chính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Câu nói của anh “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể là con đường khác” đã trở thành bất hủ.

Nói đến người Đoàn viên đầu tiên - Lý Tự Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho anh những lời lẽ đầy cảm xúc: “người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng” [1].

Anh tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nom thuộc miền đông bắc Xiêm (Thái Lan ngày nay), trong một gia đình người Việt gốc ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc ra đời một tổ chức dành riêng cho thanh niên nhằm kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu trên, năm 1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử thành viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Thái Lan tìm kiếm những thiếu niên gốc Việt Nam có đủ điều kiện tại đây để thành lập một tổ chức riêng cho thanh niên và bồi dưỡng họ thành một đội ngũ “vừa hồng - vừa chuyên”. Trong số 8 người xuất sắc được chọn có Lý Tự Trọng, họ là lớp thanh niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt và bồi dưỡng. Tên Lý Tự Trọng cũng được xuất hiện từ đây.

Sau quãng thời gian học tập và hoạt động ở Quảng Châu, năm 1929, anh trở về nước hoạt động. Ở trong nước lúc này, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi, đặc biệt là sự liên tiếp ra đời của ba tổ chức cộng sản. Anh được phân công làm giao liên cho Xứ ủy Nam kỳ với Trung ương lúc bấy giờ cũng đóng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, giữ mối liên lạc các chi bộ trong Thành ủy Sài Gòn.

Ngày 9/2/1931, nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái, một buổi mít tinh diễn thuyết được tổ chức ở trung tâm Sài Gòn, Lý Tự Trọng được phân công bảo vệ cán bộ diễn thuyết. Khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố, để bảo vệ an toàn cho đồng chí cán bộ diễn thuyết - đồng chí Phan Bôi (lúc này phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ), anh đã bắn chết tên mật thám Pháp Le Grand nổi tiếng tàn bạo và bị bắt. Người chiến sĩ trẻ gốc Hà Tĩnh bị bắt đúng vào thời điểm quan trọng, chỉ cách Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai [2] hơn 1 tháng. Trong khi đó, anh là người nắm liên lạc giữa hơn 20 cơ sở đảng.

Biết được Lý Tự Trọng (hay còn gọi là “Trọng con”, lúc đó đang hoạt động với tên Nguyễn Huy) chính là “con thoi” liên lạc của Đảng Cộng sản, thực dân Pháp ra sức tra tấn anh dã man hòng moi thông tin mật, từ đánh bằng roi, treo dây lên xà nhà (“đi tàu bay”) cho đến xoáy đinh ốc để mũ sắt kẹp chặt lấy thái dương, bẻ quặt tay ra phía sau (“lộn mề gà”) ... Tuy nhiên, tất cả đều vô dụng với người thanh niên 17 tuổi “mình đồng da sắt”: Anh không hé răng một thông tin nào. Trong phóng sự “Ðông Dương cấp cứu”, nữ nhà báo Pháp André Violis, người từng gặp “Trọng con”, miêu tả: “Tôi đã trông thấy anh ta mặt đẫm mồ hôi, hai mắt rũ xuống, máu ứ ra mồm, ra tai. Vậy mà vẫn một mực không nói nửa lời. Thật can đảm lạ lùng. Trang thiếu niên ấy mới anh hùng làm sao!” [3].

Chính quyền thực dân đã dùng nhiều biện pháp từ tra tấn đến dụ dỗ, mua chuộc, song tất cả đều không làm lung lay ý chí và lòng kiên định của người đoàn viên, người cộng sản trẻ tuổi. Nỗ lực bất thành, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương quyết định đưa Lý Tự Trọng ra xét xử. Đây là lần đầu tiên mà chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình để xử một người cộng sản chưa thành niên. Trước vành móng ngựa, anh gạt phắt lời xin tòa “mở lượng khoan hồng” của luật sư bào chữa vì cho rằng anh “hành động thiếu suy nghĩ”. “Trọng con” dõng dạc khẳng định: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng”. Thừa nhận “chưa đến tuổi thành niên thật”, nhưng anh “đủ trí khôn” để hiểu rằng “con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Tòa án phán anh tử hình. Trước máy chém, cận kề cái chết vào rạng sáng 20/11/1931, người ta vẫn nghe được tiếng anh hô: “Việt Nam! Việt Nam”.

Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ song tinh thần và ý chí của Lý Tự Trọng chính là gương sáng cho rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đó, những thế hệ thanh niên sau này đã sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với một tâm thế hùng dũng tràn đầy niềm tin hy vọng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Suốt hơn 92 năm qua, tuyên bố “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” của người anh hùng Lý Tự Trọng vẫn luôn là lời hiệu triệu các thế hệ thanh niên Việt Nam vững vàng trên con đường cách mạng thời kỳ mới bằng “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”.

Tài liệu tham khảo:

- Trang thông tin điện tử Bảo tàng Lịch sử quốc gia, https://baotanglichsu.vn/, ngày 25/03/2015.

- Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, https://www.hcmcpv.org.vn/, ngày 19/11/2021.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15.

[2] Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai họp từ ngày 20 - 26/3/1931 tại nhà số 236, đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì. Hội nghị đã dành ngày 26/3 để bàn bạc những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên, trong đó quyết định thống nhất các tổ chức đoàn thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (từ ngày 22 – 25/3/1961) chọn ngày 26/3 làm ngày thành lập Đoàn.

[3] Nguyễn Sĩ Đại, Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, Báo Nhân dân, ngày 4/9/2004.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin