Xuất bản thông tin

null Viện KSND TP Sa Đéc: Một số giải pháp quản lý chỉ đạo điều hành, giải quyết các vụ án khó khăn phức tạp

Chi tiết bài viết VKS_HOATDONGNGANH

Viện KSND TP Sa Đéc: Một số giải pháp quản lý chỉ đạo điều hành, giải quyết các vụ án khó khăn phức tạp

Tranh chấp về đất đai trên địa bàn thành phố Sa Đéc ngày càng tăng cả về số lượng vụ, việc và tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng...

= = =

           Trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển đô thị các tranh chấp dân sự đặc biệt là tranh chấp về đất đai trên địa bàn thành phố Sa Đéc ngày càng tăng cả về số lượng vụ, việc và tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng. Tập trung nhiều nhất là các tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự thì việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý chỉ đạo điều hành trong giải quyết kịp thời các vụ việc dân sự, các vụ khó khăn phức tạp là điều cần đã được lãnh đạo quan tâm thực hiện. Để công tác giải quyết các vụ, việc dân sự các vụ khó khăn phức tạp đạt hiệu quả, có một số giải pháp thực tiễn về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành như sau:

           Thứ nhất, đối với nội bộ đơn vị: 

           - Lãnh đạo đơn vị cần nắm bắt năng lực của từng Kiểm sát viên trong bộ phận: Thông qua kết quả giải quyết công việc hàng ngày ghi nhận từng mặt mạnh, hạn chế của từng Kiểm sát viên trong lĩnh vực quản lý, nắm bắt đúng khả năng, sở trường, kinh nghiệm của Kiểm sát viên. Từ đó, phân công công việc khoa học, hợp lý, khi phân công nhiệm vụ hợp lý sẽ tạo tạo điều kiện cho Kiểm sát viên có thời gian tập trung  nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ để đưa ra quan điểm giải quyết vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tránh trường hợp Kiểm sát viên báo cáo đề xuất giải quyết vụ án không cụ thể, chưa lập luận dựa trên tài liệu, chứng cứ; không thể hiện được quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu của đương sự để từ đó nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết án dân sự cũng như đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong công tác giải quyết án dân sự.

           - Phương thức quản lý, lãnh đạo:

           + Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa. Đối với những vụ án phức tạp thì Lãnh đạo đơn vị cần dành nhiều thời gian tiếp cận, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để có hướng chỉ đạo chính xác, cụ thể và đúng theo quy định của pháp luật. Tránh tình trạng giao khoán trắng cho Kiểm sát viên, chỉ nghe báo cáo án mà không trực tiếp xem hồ sơ dễ dẫn đến chỉ đạo không đúng, không đầy đủ. Bên cạnh đó tìm hiểu, thu thập căn nguyên xảy ra tranh chấp (đặc biệt là những vụ tranh chấp ranh đất ở những địa bàn khu dân cư có tính phức tạp; phải có tất cả các thông tin kể cả việc trực tiếp cùng Kiểm sát viên đến thực địa ghi nhận). Trên cơ sở thông t in đầy đủ này mới hình thành bước đề xuất, quyết định giải quyết toàn diện, thấu tình đạt lý.

           + Vận dụng linh hoạt trí tuệ tập thể: Đặc trưng của lĩnh vực dân sự là một lĩnh vực phức tạp có liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong khi đó có những quy định pháp luật chưa rõ ràng, cách hiểu và cách vận dụng quy định pháp luật còn chưa thống nhất vì vậy Khi quyết định xử lý vụ việc có tính khó khăn phức tạp cần phải có sự bàn bạc thống nhất trong nội bộ trên cơ sở quy định của pháp luật. Trong thảo luận lãnh đạo phải lắng nghe tất cả các ý kiến xui chiều và trái chiều kèm theo giải pháp xử lý phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Thông qua những cuộc họp này là một trong những phương thức tự học tập, nghiên cứu, học hỏi, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ đồng nghiệp, nâng cao trình độ của từng thành viên nhất là những đồng chí chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Kiểm sát viên tiến hành báo cáo nội dung vụ án dân sự có tính khó khăn phức tạp

           + Chủ động sử dụng ứng dụng Công nghệ thông tin: Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo án khi cho đường lối giải quyết các vụ án khó khăn, phức tạp là cần thiết và cần phải được ứng dụng thường xuyên. Bởi những vụ, việc phức tạp, nhiều tài liệu liên quan nhất là những vụ án về lĩnh vực đất đai (Sơ đồ đất, ranh đất tranh chấp…). Khi thực hiện báo án Kiểm sát viên trình chiếu các tài liệu đã sao chụp cho Lãnh đạo viện nắm chắc, nắm rõ các chứng cứ cũng như làm rõ được nhiều vấn đề còn chưa rõ hay còn mâu thuẫn giúp cho lãnh đạo viện đưa ra đường lối giải quyết được chính xác và hiệu quả hơn.

Kiểm sát viên áp dụng công nghệ thông tin khi báo cáo án trước Lãnh đạo Viện

           Thứ hai, đối với cấp trên: Tiếp tục phối hợp, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với Phòng nghiệp vụ Viện tỉnh khi có những khó khăn, vướng mắc. Đối với những vụ án phức tạp hoặc có nhiều quan điểm về hướng giải quyết vụ án hoặc có vướng mắc trong áp dụng pháp luật thì kịp thời xin ý kiến thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp trên để có hướng dẫn, chỉ đạo nhằm giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, kịp thời thực hiện các quyền yêu cầu của Viện kiểm sát để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo trong ngành và sau các phiên tòa. Viện kiểm sát cấp dưới phải báo cáo ngay kết quả xét xử cho Viện kiểm sát cấp trên sau khi phiên tòa kết thúc, lập phiếu kiểm sát đối với các bản án, quyết định của Tòa án và gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trong thời hạn luật định để Viện kiểm sát cấp trên tiến hành kiểm sát và quyết định việc kháng nghị nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng. Ngược lại, Viện kiểm sát cấp trên cũng phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới kết quả xét xử phúc thẩm, những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng của cấp dưới để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

           Thứ ba, đối với Tòa án: Chủ động phối hợp với Tòa án tham gia một số hoạt động như thẩm định tại chỗ, nghe phản ánh của các đương sự; chủ động, thường xuyên liên hệ, trao đổi với Thẩm phán để nắm bắt thông tin, yêu cầu sao chụp các tài liệu, chứng cứ. Chỉ đạo Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên tòa theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc chuyển hồ sơ giữa Tòa án, Viện kiểm sát đúng thời hạn, quy định của pháp luật, hạn chế việc chuyển dồn tập trung theo đợt dẫn đến việc tập tung quá nhiều hồ sơ cùng một lúc gây áp lực cho cán bộ nghiên cứu hồ sơ. Lãnh đạo viên chỉ đạo Kiểm sát viên phải chủ động lập sổ thống kê vi phạm của Tòa án để tập hợp ban hành kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm; theo dõi việc tiếp thu kiến nghị của Tòa án bảo đảm các vi phạm phải được khắc phục, tránh lặp lại, góp phần nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong giải quyết các vụ việc dân sự.

          Thứ tư, đối với các ngành hữu quan: Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ chuyên môn nói chung, công tác giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác minh, thu thập chứng cứ tại các cơ quan đơn vị liên quan, cũng như trong công tác kiến nghị phòng ngừa, khắc phục vi phạm tại địa phương.

 Nguyễn Vũ Tràng - Lê Hữu Tín - Viện KSND thành phố Sa Đéc